Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

6 khu Chinatown nhộn nhịp bậc nhất Châu Á

Mỗi khu Chinatown có một sức hấp dẫn riêng biệt, như Yokohama nhộn nhịp và đầy màu sắc, còn phố Yaowarat tại Bangkok buôn bán tấp nập.


Khu Chinatown tại thành phố Yokohama là khu người Hoa lớn nhất ở Nhật Bản. Đây là điểm đến quen thuộc với các thực khách từ thủ đô Tokyo chỉ cách đó 30 km với khoảng 600 cửa hàng đồ ăn, từ những quầy bánh nóng hổi, những cửa hàng mì đến các nhà hàng lớn trang trí rồng vàng. Ảnh: Stuff.


Đồ lưu niệm khá rẻ, tràn ngập đồ chơi Trung Quốc, quần áo phụ kiện thời trang và các bộ đũa, cùng với ngọc bích và đồ thủ công. Giữa khu phố hào nhoáng là ngôi đền Kantei-byo do người Hoa xây dựng từ năm 1873, thờ Quan Công. Đền được chiếu sáng rực rỡ vào buổi tối với dãy đèn lồng. Ảnh: TripAdvisor.


Chợ Lớn ở quận 5 TP.HCM không hẳn là một Chinatown, nhưng khu phố lân cận chủ yếu là người Việt kiều Hoa. Với những con hẻm yên tĩnh, các cửa hàng buôn bán nhỏ và những ngôi đền tỏa khói hương, nơi đây mang đến sự tương phản nhẹ nhàng với trung tâm thành phố. Ảnh: Stuff.


Du khách có thể tới thăm chùa Quan Âm thờ Phật, Quan Âm Bồ Tát, bà Thiên Hậu và nhiều vị thần của dân gian và Đạo giáo, hoặc đi chợ Bình Tây - khu chợ bán mọi mặt hàng từ đồ dùng nhà bếp, quần áo đến những bát phở nghi ngút khói. Trong ảnh là lễ diễu hành tết Nguyên tiêu năm 2017 của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Ảnh: Tùng Tin.


Khu Chinatown lụp xụp ở Kuala Lumpur (Malaysia) khá yếu thế khi so sánh với các quận phát triển khác với đầy những tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên, du khách sẽ nhận thấy nét cổ kính của những quán ăn đường phố nhỏ hẹp, những hiệu thuốc Bắc chồng chất nguyên liệu từ cây cỏ, những cửa hàng tồn tại từ thế kỷ 19 cùng đền thờ Quan Công. Buổi tối, phố Petaling hóa thân thành khu chợ du lịch lộng lẫy, bán quần áo thời trang, kính râm và vali... Ảnh: Stuff.


Bên kia sông Pasig, đối diện trung tâm thủ đô Manila (Phillippines) là quận Binondo, nổi tiếng với các khu chợ trên phố và Chinatown được cho là lâu đời nhất thế giới dành cho người nhập cư Trung Quốc từ năm 1594. Ảnh:Stuff.


Nơi đây không có điểm tham quan nổi bật, nhưng sở hữu một loạt đền, nhà trang trí hoa văn, trường võ thuật và phòng trà. Chinatown là địa điểm lý tưởng để dùng bữa với các nhà hàng giá rẻ trên phố Carvajal, thực đơn đa dạng như bánh mì nhồi thịt Tây Ban Nha, bánh bao, bánh Hopia nhân đậu và món cuốn Lumpia. Ảnh: David Kozlowski/ flickr.


Đầu thế kỷ 18, người nhập cư Trung Quốc chuyển tới quận Sampeng - giờ đây là Chinatown ở Bangkok (Thái Lan) - và nhanh chóng hòa nhập. Khu vực đường Yaowarat có các cửa hiệu chật hẹp và khu chợ đầy năng lượng. Ảnh: Stuff.


Ngôi đền Dragon Flower có mái hình rồng bằng gốm và cửa vào trang trí tao nhã. Một bảo tàng nhỏ ở Wat Traimit giúp du khách khám phá lịch sử nhập cư của người Trung Quốc. Quần áo giá rẻ, đồ da và trang sức bán tại chợ Soi Sampeng và Pahuraht, thường bất ngờ thông báo giảm giá 50%. Chợ Thieves bán đồ nội thất cũ, sách và đồ điện tử. Trong ảnh là khu chợ Soi Sampeng. Ảnh: nextstopbangkok.


Khu Chinatown của Singapore thu hút cả người dân địa phương và du khách bằng những quán ăn tại phố ẩm thực Smith và các khu mua sắm bình dân bán hàng giá rẻ và đồ thủ công. Ảnh: Stuff


Điểm tham quan hàng đầu là đền Thian Hok Keng thờ bà Thiên Hậu, Quan Âm Bồ Tát... Du khách đặt những điếu thuốc đang đốt vào tay tượng Thần Tài, hy vọng trúng số. Ngoài ra, Chinatown ở Singapore có một đền thờ Hindu và một nhà thờ Hồi giáo. Buổi tối, du khách có thể tới các quán bar và câu lạc bộ đêm ở khu vực Tanjong Pagar. Trong ảnh là chùa Phật Nha - ngôi chùa được khánh thành dịp đại lễ Phật Đản năm 2007, sau 2 năm xây dựng với kinh phí 62 triệu đô la Singapore (1.000 tỷ đồng). Ảnh: Graham Hills/ flickr.

Nguồn Stuff/ZingNews



Bạn có thể xem thêm: Phần mềm bán hàng miễn phí | Phần mềm bán hàng Winta Sales | Phần mềm bán hàng miễn phí Winta Sales

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét